FEATURED:

JOB HOT ĐẶC BIỆT - Job xịn, lương cao, đãi ngộ tốt!!!

Ứng Viên

Trước khi đàm phán lương, bạn cần chuẩn bị những gì?

Ai rồi cũng phải…đàm phán deal lương!

Nói chuyện lương bổng là điều mà tất cả chúng ta đều…ngại! Mà ngại thì thiệt, bởi đến một lúc nào đó mức lương bạn nhận được không còn phản ánh chính xác giá trị mà bạn đem lại. Nhưng phải thương lượng như thế nào để đạt được mức lương mong muốn?

Trong bài viết này, freeC sẽ giúp bạn giải đáp “trọn gói” chuyện deal lương, từ cơ bản đến nâng cao!

Thế nào là đàm phán lương?

Đàm phán lương hay nói “thân mật” hơn là deal lương, Nó là một cuộc thảo luận giữa bạn và đại diện công ty nhằm mục đích “thăng hạng” mức lương; thậm chí là phúc lợi của bạn. Bất kể bạn là nhân viên có thâm niên hay người mới vào. Chỉ cần bạn thấy không hài lòng với mức lương hiện tại, bạn có quyền thương lượng một mức lương cao hơn.

đàm phán lương
đàm phán lương (source: freepik)

Và trước hết, hãy chuẩn bị sẵn:

  • Bảng thành tích: Nghe lớn lao vậy thôi nhưng thực chất bạn chỉ cần nhìn lại và tổng hợp những thành quả, những giá trị bạn đã đem lại cho công ty suốt thời gian công tác. Đây là những thứ hữu hình góp phần chứng minh bạn là một người xứng đáng được đầu tư nhiều hơn nữa. 
  • Đối mặt với lời từ chối: Không ít trường hợp người được đề nghị tăng lương vẫn bị yêu cầu chứng minh tại sao họ xứng đáng với mức lương này. Cho nên, chúng ta, với tư cách là người chủ động cũng nên chuẩn bị thêm một vài lý do thật thuyết phục!
  • Tìm điểm cân bằng: Buổi đàm phán sẽ không đi đâu về đâu nếu bạn quá cứng rắn, không sẵn sàng nhượng bộ hoặc quá mềm mỏng, dễ dàng chấp nhận một mức tăng tối thiểu tượng trưng. Lời khuyên cho bạn là thẳng thắn đặt câu hỏi và phản biện liên tục để hai bên hiểu được mong muốn của nhau. Từ đó tìm ra điểm cân bằng cả hai phía đều vui lòng chấp thuận. 

Tại sao bạn phải deal lương?

Deal lương vốn là một mắt xích quan trọng trong quy trình tuyển dụng. Hơn thế nữa, một mức lương cao hơn, xứng đáng hơn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với sự nghiệp của bạn: Bạn đang không ngừng tiến lên! Và tiền lương không chỉ là cách công ty thể hiện sự công nhận giá trị của bạn mà còn là cách họ bày tỏ sự quan tâm đến đời sống của bạn.

Quan trọng nè! Để có kết quả thương lượng tốt đẹp, ngoài tiền lương net ra thì đây là 6 loại phúc lợi bạn cần nắm: 

  • Học phí sau Đại học: Học phí cho chương trình Thạc sĩ, Tiến sĩ hay MBA khá đắt đỏ. Chính vì vậy, những nhân tài có định hướng mở rộng việc học sẽ ưu ái đầu quân cho những công ty có chính sách tài trợ học phí.
  • Các khóa đào tạo phát triển: Không phải công ty nào cũng xây dựng hoàn chỉnh các khóa đào tạo nội bộ cho nhân viên. Trong trường hợp này freeC gợi ý bạn có thể thương lượng để công ty hỗ trợ chi phí tham gia các khóa đào tạo bên ngoài.
  • Mentoring & Coaching: Phải nói rằng đây là phúc lợi không-thể-đong-đếm vì ngoài việc tạo nền và tạo đà phát triển sự nghiệp, mentoring và coaching còn cho bạn những mối quan hệ quý giá với những vị lãnh đạo tài ba trong công ty. Điều mà đa số nhân viên bình thường khó lòng đạt được.
  • Giữ trẻ: Cuộc sống ở những đô thị lớn không cho chúng ta nhiều thời gian chăm sóc con cái. Và chi phí thuê người chăm trẻ cũng là một gánh nặng chi phí lớn hàng tháng cho ba mẹ. Vậy nên bạn hoàn toàn có thể yêu cầu một chút đặc quyền cho chuyện chăm trẻ; dễ dàng nhất là cân đối thời gian làm việc.
  • Sức khỏe & thể chất: Ngoài bảo hiểm y tế và bảo hiểm nha khoa, bạn có thể cân nhắc đòi hỏi thêm quyền lợi tập luyện. Chẳng hạn như công ty mua gói tập dài hạn hoặc hỗ trợ một phần chi phí tập luyện. Sau đại dịch, FreeC tin chắc nhiều công ty sẽ chú trọng đầu tư vào hạng mục này!
  • Làm việc linh hoạt: Ở nhà làm cũng được, vừa đi du lịch vừa làm cũng được hay làm việc vào khung giờ đặc biệt cũng được. Các anh chị nhân sự hãy tin FreeC, điều này còn hấp dẫn hơn cả chuyện tăng lương đó.

Làm sao xác định “giá trị” bản thân?

Trước khi đàm phán lương, bạn nên tìm hiểu mức lương thị trường sẵn sàng chi trả cho vị trí hiện tại của bạn. Không có mặt bằng chung cho câu chuyện lương thưởng. Vì mức lương thường dao động theo ngành nghề; thâm niên và khu vực làm việc (đô thị lớn hay thành phố nhỏ). 

đàm phán lương
đàm phán lương (source: freepik)

Nếu bạn đang mắc kẹt không biết phải làm sao, FreeC gợi ý bạn thực hiện 2 bước này: 

Xác định vị trí của bạn, sau đó dạo quanh thị trường

Trước tiên, bạn cần tìm hiểu xem những người ở cùng thành phố; có cùng vị trí và số năm kinh nghiệm với bạn, họ đang đạt được mức lương bao nhiêu. Nói cho dễ hiểu thì mức lương trung bình của một giám đốc marketing ở Đà Nẵng sẽ khác với một giám đốc marketing ở TP.HCM!

Và vì lương thưởng là một câu hỏi cực kỳ nhạy cảm; không phải ai cũng vui lòng tiết lộ cho người ngoài. Nên bạn có thể tham khảo một nguồn hữu ích khác chính là báo cáo lương thường niên do nhiều tổ chức uy tín nghiên cứu và phát hành. 

Định “giá trị” của bạn

Sau khi nắm được mức lương trung bình cho vị trí bạn đang tìm kiếm, bạn sẽ dựa trên đó để xác định “giá trị” của bạn trên thị trường lao động. Know Your Worth, một công cụ do Glassdoor phát triển sẽ người hỗ trợ đắc lực cho bạn trong khâu này. 

Khi bạn đã nắm sơ bộ “con số” của mình, bạn có thể so sánh con số đó với dải lương trung bình thị trường đang chi trả. Ví dụ, mức lương thưởng cho vị trí Digital Marketing dao động từ 12 triệu đến 35 triệu. Giá trị ước tính của bạn đang ở mức 17 triệu; thì mức lương thực tế của bạn có thể dao động từ 15 triệu đến 20 triệu. 

7 mẹo & 6 câu hỏi giúp bạn chinh phục thương vụ deal lương

Deal lương không hề khó nhằn và đáng sợ như bạn tưởng, nếu bạn đã hoàn thành 2 bước ở trên. Ngoài ra, nhớ lận lưng 7 mẹo nhỏ mà có võ để có buổi thương lượng như ý: 

  • Xác định “dải lương” thay vì một con số cố định: Sai lầm của số đông là đưa ra một con số chính xác đến cả hàng đơn vị lên bàn thương lượng. Điều này khiến hai bên khó tìm được vị trí cân bằng; và kết cục tất yếu là thất bại. freeC gợi ý bạn nên cho nhà tuyển dụng biết “dải lương” bạn mong muốn; mức tối thiểu và tối đa là bao nhiêu. Như vậy sẽ dễ thở hơn và tỉ lệ thành công cũng cao hơn nhiều. 
  • Đã bán phải bán đúng giá: Ý chính ở đây là ngoài tiền lương, bạn còn được hưởng nhiều quyền lợi khác nữa mà. Cho nên khi được hỏi về mức lương cũ, phải nêu đúng và đủ mới được! Giả sử thu nhập của bạn là 30 triệu/tháng; kèm gói hỗ trợ khám sức khoẻ, tập gym; chăm sóc răng miệng và đi lại giá trị 20% mức lương chính. Vậy thì thu nhập trước đây của bạn chính xác là 36 triệu/tháng.
  • Tổng duyệt trước ở nhà: Biểu cảm và giọng nói cũng góp phần quyết định sự thành công của cuộc đàm phán. Cho nên bạn hãy mời một người thân thiết vào vai nhà tuyển dụng; và thử trình bày cho họ nghe. Bạn sẽ phát hiện nhiều điểm có thể chỉnh sửa lắm đó!
  • Cư xử lịch thiệp: Dù kết quả ra sao, bạn vẫn nên cư xử một cách hoà nhã và bày tỏ lòng biết ơn. Vì công ty/ nhà tuyển dụng đã đồng ý sắp xếp thời gian để thương lượng chuyện lương bổng.
  • Tự tin, tự tin, tự tin: Điều quan trọng phải nhắc lại 3 lần. Biểu cảm, giọng nói và một vẻ ngoài tự tin trước hết sẽ giúp bạn tạo dấu ấn tốt trong mắt nhà tuyển dụng. Và bạn nên nhớ rằng, nếu bạn còn không tự tin vào bản thân mình; thì không có lý do gì để nhà tuyển dụng đặt niềm tin ở bạn cả!
  • Đừng đồng ý quá vội vàng: Khi nhận được offer, nếu có điều gì còn lấn cấn, FreeC khuyên bạn cứ mạnh dạn cho nhà tuyển dụng biết bạn cần thêm thời gian để xem xét đề nghị này; và hẹn một buổi trao đổi khác trong 1-2 ngày nữa.
  • Biết vị trí của mình: Kì thực, sức mạnh đàm phán còn phụ thuộc vào hoàn cảnh hiện tại của bạn. Trong trường hợp bạn đã thất nghiệp một thời gian; hoặc muốn nhảy việc, thì bạn nên đặt mức lương kỳ vọng vừa phải. Có thể bằng mức lương cũ hoặc chấp nhận thấp hơn một chút. Một khi chứng minh được năng lực của bản thân, bạn hoàn toàn có thể yêu cầu tăng lương vào thời gian sau đó.

Và nếu phải hỏi, bạn nên hỏi những gì?

1. “Công ty có sẵn sàng thương lượng mức lương mới không?”
Hãy hỏi câu này ngay từ đầu bạn nhé. 

2. “Ngoài lương cơ bản, những loại phúc lợi nào có thể thương lượng thêm?”
Những phúc lợi có thể thay đổi bao gồm bảo hiểm khám chữa bệnh; hỗ trợ chi phí học tập và đào tạo, ngày nghỉ có lương, ngày phép, chi phí đi lại,…

3. “Tôi có thể biết mức lương này được tính toán như thế nào không?”

Câu hỏi này sẽ cho bạn biết đây có phải là mức lương tối đa hay chưa. Nếu chưa, bạn có thể thương lượng thêm.  

4. “Vị trí này có triển vọng tăng lương hay thăng chức không?”

Thật ra công ty có đồng ý deal lương lại hay không không quan trọng bằng việc biết rõ cơ hội phát triển và thang lương của vị trí bạn đang nhắm đến. 

5. “Công ty đánh giá nhân viên dựa trên những tiêu chí nào?”

Khi nắm rõ nhưng tiêu chí công ty dùng để đánh giá một nhân viên, bạn sẽ biết đường hướng phấn đấu để đạt được lợi thế trên bàn thương lượng mức lương kỳ tới. 

6. “Sau buổi này, tôi có thể nhận văn bản thỏa thuận được không?”
Trong mọi trường hợp, giấy trắng mực đen vẫn là tốt nhất. 

Đề nghị tăng lương, làm sao cho trúng?

đàm phán lương
đàm phán lương (source: freepik)

Sự thật là hiếm một người sếp nào tự động đề nghị tăng lương cho nhân viên. Dù họ biết rõ nhân viên đó đã và đang đóng góp cho công ty nhiều như thế nào. Vậy thì, mình phải chủ động thôi!

Tận dụng những cơ hội tuyển dụng nội bộ

Chuyển qua vị trí mới trong công ty cũng là một cách để deal lương lại. Nếu bạn nghiêm túc với ý định này, đừng tin vào những lập luận như thang lương có giới hạn; hay quy định của công ty phải như thế.

Hãy tìm hiểu thị trường; và trình bày với công ty con số họ phải chi trả để tuyển dụng, đào tạo người mới nhiều như thế nào. Phía nhân sự sẽ tỏ ra cứng rắn; hậm chí từ chối nhưng chỉ cần bạn kiên định một chút, mọi chuyện rồi cũng sẽ như ý. 

Đúng thời điểm

Lần cuối bạn được tăng lương chắc phải hơn 1 năm rồi; nhưng đừng vì quá lâu mà trở nên vội vã. Hãy chờ thêm một thời gian nữa, ngay vào lúc bạn thực hiện thành công dự án A. Sếp vui vẻ ngợi khen thì mạnh dạn đề xuất chuyện tăng lương vẫn chưa muộn.

Lý lẽ thuyết phục, lập trường kiên định

Chỉ cần bạn duy trì được sự kiên định; và luôn đưa ra những bằng chứng thuyết phục; không sớm thì muộn sếp cũng phải đồng ý với đề xuất tăng lương của bạn!

Kế hoạch hậu “đàm phán lương”

Thêm trách nhiệm

Nếu mức lương tăng lên kèm theo một title công việc mới thì có nghĩa bạn được thăng chức; và thêm nhiều trách nhiệm hơn. Nhưng dù không có title mới, chỉ tăng lương thôi thì thời gian sau đó; bạn phải chứng minh được bạn thật sự xứng đáng với mức lương mới. 

Khỏi phải nói, đồng đội và sếp của bạn sẽ dành cho bạn những mong đợi lớn hơn. Và không chỉ dừng lại ở mức “xứng đáng với mức lương mới”, bạn cần nỗ lực để mọi người thấy được đợt review tiếp theo bạn xứng đáng được đề bạt.

Sau khi có quyết định tăng lương, đảm bảo bạn nhận được quyết định bằng giấy; hoặc email từ sếp với những yêu cầu cụ thể bạn cần làm đạt được. Và xác định chính xác thời gian thay đổi, ngay lập tức hay để quý sau? 

Thêm sự tôn trọng và tin tưởng từ sếp

Mỗi lần đề xuất tăng lương là một lần khó nhằn và đau đầu. Nhưng một khi đã thành công thì trái ngọt không chỉ là mức lương; hay phúc lợi mới. Đó còn là sự công nhận và sự tôn trọng đối với năng lực và con người bạn!

Có thể bạn không biết, khi chủ động đề nghị tăng lương, bạn đang ngầm gửi đi 2 thông điệp. Một là, bạn có kế hoạch gắn bó lâu dài với công ty; và khỏi phải nói vị sếp nào cũng khoái nhân viên trung thành với mình. Hai là, bạn thật sự quan tâm tới công việc của bạn và của công ty. Chính vì quan tâm nên bạn mới mạnh dạn thể hiện quan điểm của mình.

Đàm phán thành công chưa phải là hết

Sự nghiệp là cả một hành trình dài. Và việc đàm phán lương là một thách thức không nhỏ! Nó có nhiều trách nhiệm; thử thách đang chờ bạn ở kỳ tăng lương năm tới. Nên lần thương lượng này thành công đấy, nhưng chưa phải lần cuối đâu. Thời thế không ngừng thay đổi; và với những bí quyết trên đây, freeC mong bạn luôn thương lượng được mức lương tương xứng với những trái ngọt mà bạn tạo ra.

Có thể bạn quan tâm:

Related posts
Nhân Sự & Tuyển dụngỨng Viên

Cách để ứng tuyển 1 vị trí mới trong ngành nhân sự (HR)

Kinh nghiệm phỏng vấnNhà Tuyển DụngỨng Viên

Top 14 nền tảng tuyển dụng được yêu thích nhất

Tìm việcỨng Viên

28 Việc làm cho sinh viên đầy đủ nhất và được ưa chuộng nhất

Kinh nghiệm phỏng vấnKỹ năngỨng Viên

40 Câu hỏi phỏng vấn React phổ biến và cách trả lời hay nhất