Bạn sắp có buổi phỏng vấn quan trọng và bạn đang cần gợi ý trả lời sao cho nhà tuyển dụng ấn tượng phải không? Nếu đúng như vậy, bạn hãy tham khảo các câu trả lời phỏng vấn hay và đầy đủ nhất cho mọi ngành nghề của freeC bên dưới nhé!
1. Hãy giới thiệu về bản thân bạn?
Bạn nên dành 2 phút để giới thiệu những thông tin liên quan đến vị trí đang ứng tuyển, như: công việc hiện đại, trình độ học vấn, mục tiêu phát triển sự nghiệp,… theo trình tự quá khứ, hiện tại, tương lai.
Ví dụ cách trả lời phỏng vấn thông minh:
“Trước khi giới thiệu về bản thân mình, em/tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới anh/chị khi đã tạo cơ hội cho em/tôi để được trao đổi về vị trí ứng tuyển của quý công ty. Em chào anh/ chị, tên em là Nhung, họ tên đầy đủ của em là Trần Thị Tuyết Nhung. Em là sinh viên mới ra trường của Trường đại học A. Trong thời gian học, em đã từng làm một số công việc bán thời gian nhưng không thật sự ấn tượng, vì các công việc em làm khá đơn giản. Tuy vậy, thông qua chúng, em học được tính kiên nhẫn và tỉ mỉ.
Qua các hoạt động này, em có kinh nghiệm hơn trong việc nắm bắt tâm lý khách hàng, có thêm những kỹ năng như quan sát, có khả năng chịu áp lực cao. Và, em tin những điều này sẽ có ích đối với vị trí đang ứng tuyển. Qua tìm hiểu kỹ về vị trí và môi trường làm việc bên mình, cùng với những kinh nghiệm và sở trường mà em có, em thực sự mong muốn được có cơ h được làm việc cùng anh chị tại công ty Y với vị trí nhân viên tư vấn khách hàng.”
2. Hãy mô tả sơ lược về những việc bạn đã làm? Nhiệm vụ chính ở công việc gần đây nhất bạn làm là gì?
Bạn nên trả lời câu hỏi này một cách chân thật và ngắn gọn. Hãy chia sẻ như bạn kể một câu chuyện về kinh nghiệm của bản thân và đừng nói những gì mình không biết. Nhà tuyển dụng sẽ hỏi xoáy vào chuyên môn của bạn sau đó.
Bên cạnh đó, bạn hãy nói về những gì đã được học, kinh nghiệm và kỹ năng có được khi làm việc ở công ty cũ; và nói về mong muốn tìm kiếm một công ty mới như thế nào để cống hiến lâu dài.
Ví dụ trả lời câu hỏi phỏng vấn:
“Trước đây, tôi đã làm trợ lý hành chính cho một giám đốc tại Nhà xuất bản Sách ABC và tôi đã hỗ trợ sắp xếp lịch trình cho cho ông ấy cũng như cho toàn văn phòng. Công việc của tôi là quản lý tất cả các công việc hành chính để ông ấy có thể tập trung vào các dự án của bản thân. Tôi đã làm tất cả mọi thứ từ việc đặt vé chuyến bay và in ấn các bản tường trình để nộp làm báo cáo chi phí.”
3. Thành tựu nào trong công việc trước đây khiến bạn tự hào nhất?
Với câu hỏi này, bạn cần liệt kê những thành tích đã đạt được từ khi còn đi học. Mục đích của việc dẫn dắt này, nhằm để nhà tuyển dụng đánh giá bạn là một ứng viên xuất sắc, nhiệt tình trong các hoạt động và có kỹ năng mềm tốt.
Nếu bạn muốn nói về những thành tích trong công việc, hãy kể về những dự án bạn đã làm; bạn mang lại giá trị gì cho công ty; vai trò của bạn trong dự án đó như thế nào; và những khó khăn mà bạn đã vượt qua; cũng như bài học rút ra từ những khó khăn đó.
Ví dụ các câu trả lời phỏng vấn hay:
“Tôi từng được bầu chọn làm nhân viên của tháng chỉ trong hai tháng đầu làm việc – điều rất ít người đạt được tại công ty C. Thành tựu này đến từ việc áp dụng chuẩn service trong chương trình học vào một công ty chuyên nghiệp như C. Điều này tuy không đem lại lợi thế tài chính nhưng có giá trị tinh thần rất lớn với tôi”.
4. Bạn đã gặp khó khăn gì trong công việc và bạn giải quyết nó như thế nào?
Với câu hỏi này, bạn có thể nói ra những khó khăn gặp phải khi làm việc, nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ theo kế hoạch, hoàn thành đúng hạn và đủ ngân sách. Khi trả lời, bạn nên dùng đại từ “tôi” và nhấn mạnh vào các yếu tố mà công ty đang tuyển bạn mong muốn nhìn thấy ở ứng viên.
Kinh nghiệm trả lời câu hỏi phỏng vấn này:
“Trong quá trình làm nhân viên chăm sóc khách hàng, tôi từng gặp trường hợp khách hàng phàn nàn về sản phẩm của công ty rất khó chịu và thậm chí họ còn lớn tiếng với tôi. Điều đầu tiên tôi làm chính là xin lỗi khách hàng vì họ có trải nghiệm chưa tốt khi sử dụng sản phẩm của công ty. Sau đó, tôi đã cố gắng tìm hiểu nguyên nhân vì sao khách hàng khó chịu, đồng thời hỏi ý kiến của cấp trên về những chính sách ưu đãi cho khách hàng này”.
5. Điều gì khiến bạn nuối tiếc ở công việc trước đây và vì sao? Nếu được làm lại, bạn sẽ làm gì để nó tốt hơn?
Khi trả lời câu hỏi dạng này, bạn nên liệt kê ra vài tình huống khó trong công việc trước đây; cách bạn xử lý nó và bạn đã học được những gì. Bên cạnh đó, bạn cần thể hiện bản thân là người kiên trì và cố gắng giải quyết khó khăn đến cùng. Nếu bạn trả lời theo cách này, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá rất cao về bạn.
Ví dụ:
“Tôi đã từng báo giá sai về một sản phẩm cao cấp cho một khách hàng mới. Khách hàng thấy đó là một món hời và chúng tôi bắt đầu thỏa thuận mua bán. Sau đó, tôi nhận ra mình đã báo giá sai khi dán nhầm mã sản phẩm. Tôi không biết liệu khách hàng còn muốn mua sau khi biết được giá thực của sản phẩm. Do đó, thay vì báo luôn giá thực và đối diện với nguy cơ bị hủy đơn, tôi yêu cầu khách hàng đợi tôi nói nói với người giám sát.
Tôi kể với người giám sát toàn bộ sự việc và nhờ sự giúp đỡ vì tôi không biết nên bán với giá thấp hay chấp nhận bị hủy đơn. Người giám sát của tôi đã giải thích sự cố của tôi với khách hàng và bán sản phẩm đó với giá khuyến mãi dành cho cấp quản lý của ông ấy. Qua sự việc này, tôi bán được đơn hàng của mình, được bài học là phải kiểm tra giá cả thật kỹ và tin tưởng vào người giám sát của mình”.
6. Bạn nghĩ mình có những kỹ năng/tố chất nào phù hợp với công việc này?
Với câu hỏi này, bạn nên trả lời theo tính cách cá nhân, như: Trung thực, chăm chỉ, có tính kỷ luật cao,… phù hợp với tính cách công ty bạn đang ứng tuyển.
Ví dụ các câu trả lời phỏng vấn hay:
“Tôi thấy bản thân mình là một người luôn chăm chỉ, vui tính, biết cách kiểm soát cảm xúc và giữ bình tĩnh trong những tình huống mà người khác không thể. Tôi muốn đem lại những giá trị tốt nhất cho khách hàng, truyền tải niềm đam mê và niềm tin vào sản phẩm để khách hàng cảm thấy họ đang được giới thiệu sự lựa chọn tốt nhất”.
7. Bạn sẽ làm gì, nếu người quản lý của bạn yêu cầu bạn làm điều gì đó mà bạn không đồng ý?
Nếu sếp của bạn yêu cầu bạn điều gì đó mà bạn không đồng ý, nếu đó là vấn đề công việc, bạn có thể thảo luận thẳng thắn với sếp của mình trực tiếp. Một nhà lãnh đạo thông minh sẽ biết cách sử dụng những thông tin hữu ích.
Bạn nên tránh to tiếng trong cuộc họp hoặc khi sếp của bạn đang tức giận. Nếu yêu cầu của người quản lý không tuân thủ các chính sách và quy định của công ty, bạn có thể từ chối yêu cầu đó.
Ví dụ:
“Nếu tôi và sếp không cùng quan điểm thì đầu tiên, tôi sẽ suy nghĩ kỹ xem mình có vấn đề gì không và sai ở đâu. Nếu tôi thấy rằng ý kiến và quan điểm của mình không sai, tôi sẽ tiếp tục xem xét những ưu và khuyết điểm trong những ý kiến của sếp. Nếu sếp chưa đúng, tôi sẽ trình bày rõ ràng kế hoạch và ý tưởng của mình. Sau đó, tôi sẽ nghe những đóng góp của sếp; đồng thời kết hợp những ưu điểm trong kế hoạch của sếp để tạo thành kết quả cuối cùng.”
8. Bạn cần cải thiện gì trong thời điểm này? Bạn đã có kế hoạch cải thiện những điều đó chưa?
Người phỏng vấn không muốn nghe câu “Tôi không có điểm yếu nào” hoặc bạn kể quá nhiều về yếu điểm. Với câu hỏi này, bạn nên chọn 1-2 vấn đề mà bản thân chưa tốt và cách bạn đang cải thiện nó.
Ví dụ:
“Tôi thấy điểm yếu của bản thân là kỹ năng thuyết trình với nhiều người; và tôi biết rằng kỹ năng cần thiết cho công việc của mình. Do đó, tôi đã tham gia một khóa huấn luyện kỹ năng mềm. Hiện tại, tôi đã có thể tự tin khi phát biểu trước đám đông”.
9. Điều gì ở đồng nghiệp cũ/sếp cũ làm bạn thấy khó chịu?
Với câu hỏi này, bạn hãy nhận xét tích cực về sếp hay công ty cũ; bạn đã học hỏi được gì khi làm việc ở đó, và bạn vẫn giữ liên lạc với họ theo hướng tích cực.
Ví dụ:
“Đồng nghiệp/sếp cũ của tôi đã hướng dẫn và giúp đỡ tôi rất nhiều khi tôi làm việc tại công ty A. Trong thời gian làm việc, đôi khi không tránh được sự bất đồng quan điểm, nhưng chúng tôi đều ngồi lại và tìm cách giải quyết để ra kết quả thỏa đáng chung nhất. Hiện tại, tôi và đồng nghiệp/sếp cũ vẫn còn giữ liên lạc tốt”.
10. Bạn thân của bạn sẽ mô tả về bạn thế nào, nếu tôi hỏi?
Với câu hỏi này, bạn hãy thành thật kể những ưu điểm của bạn trong mắt bạn bè. Qua câu trả lời này, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn có phù hợp với tính cách của công ty hay không.
Ví dụ:
“Bạn bè thường đánh giá tôi là một người vui tính, lạc quan, biết lắng nghe và có tinh thần trách nhiệm cao. Do tính chất công việc của tôi và họ khác nhau nên không gặp nhau thường xuyên; nhưng khi một trong chúng tôi gặp khó khăn cần giải quyết, người còn lại luôn sẵn sàng lắng nghe và tìm cách cùng nhau giải quyết vấn đề”.
Bên trên là các câu trả lời phỏng vấn hay (phần 1) mà blog.freec.asia muốn chia sẻ với bạn. Hy vọng rằng với 10 câu trả lời bên trên sẽ giúp bạn biết cách trả lời câu hỏi phỏng vấn sao cho nhà tuyển dụng ưng ý. Chúc bạn có một buổi phỏng vấn tuyệt vời và đậu vào công ty như mong muốn.
Có thể bạn quan tâm: